Nằm bên tả ngạn sông Hồng cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10 km về phía Đông Nam. Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là một trong những cái nôi của gốm cổ truyền nổi tiếng tại Việt Nam.
Ban đầu xã Bát Tràng với tên là xã Bát, làng Bát từ đời nhà Trần. Thời Lê xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An Trấn Kinh Bắc. Sang thời Nguyễn năm 1822 trấn kinh bắc đổi thành trấn Bắc Ninh, năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Du, huyên Gia lâm, phủ thuận An, đến năm 1862 chia về phủ Thuận Thành và năm 1912 chia về phủ Từ Sơn.
Sau cách mạng tháng tám 1945 , có một thời gian ngắn từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1949 huyện Gia Lâm thuộc về tỉnh Hưng Yên . Năm 1948 xã Bát Tràng nhập với xã Giang cao và xã Kim Lan thành xã Quang Minh . từ năm 1964 tên xã Bát Tràng được khôi phục gồm Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.
Theo các thư tịch cổ thì nghề gốm xuất hiện ở Bát Tràng từ thế kỷ thứ XV , nhưng theo những tư liệu thu thập được ở Bát Tràng thì làng gốm này có thể ra đời sớm hơn . Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ( Ninh Bình ) về Thăng Long ( Hà Nội ).
Thăng Long trở thành trung tâm chính trị , kinh tế và văn hóa của cả nước , do nhu cầu phát triển của kinh thành nhiều thương nhân , thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long để lập nghiệp , Thăng Long ngày càng mở mang và phát triển , một loạt các làng ven đô cũng dần phát triển kinh tế, trong đó có làng Bát Tràng.
Do gần kinh thành lại nằm bên bờ sông Hồng, Bát Tràng có điều kiện giao thông thuận lợi để phát triển công thương nghiệp, đăc biệt ở vùng này lại có nhiều đất sét trắng, theo người dân Bát Tràng ngày xưa ở đây có 72 gò đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm.
Lúc bấy giờ một số thợ gốm Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô , tỉnh Ninh Bình ) đã di cư về Bát Tràng để lập lò gốm, khi mới đến lập nghiệp ở vùng này, dân Bồ Bát đặt tên cho quê mới của mình là Bạch Thổ Phường, tức phường đất trắng.
Khi công việc sản xuất gốm đã ổn định , người dân ở đây đã đổi tên Bạch Thổ Phường thành Bát Tràng Phường , ý nói là Phường có trăm lò bát . Cuối cùng họ mới đổi tên thành Bát Tràng ( nơi làm bát ) . Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho triều đại nhà Minh.
Ấm chén gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài
Người dân Bát Tràng đến nay vẫn lưu truyền một huyền thoại về nguồn gốc của nghề gốm như sau :
Vào thời Lý ( 1010 – 1225 ) , có ba vị Thái học sinh ( học vị như Tiến sĩ ) là Hứa Vĩnh Kiều ( hay Cảo ), Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú ( hay Lưu Vĩnh Phong ), được cử đi sứ Bắc Tống ( 960 – 1127 ). Sau khi hoàn thành sứ mạng, trên đường trở về nước qua Thiều châu ( Quảng Đông – Trung Quốc ) thì gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được một số kỹ thuật đem về truyền bá cho dân chúng quê hương.
- Hứa Vĩnh Kiều ( hay Cảo ) truyền cho Bát Tràng nước men trắng
- Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà ( Việt Yên – Hà Bắc ) nước men sắc đỏ
- Lưu Phương Tú ( Lưu Vĩnh Phong ) truyền cho Phù Lãng ( Quế Võ – Hà Bắc ) nước men màu vàng thẫm
Câu chuyện trên cũng được lưu truyền ở Thổ Hà và Phù Lãng với ít nhiều sai biệt về tình tiết. Điều đáng lưu ý là theo những tư liệu dân gian này , nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời Lý , ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127 , khoảng đầu thế kỷ XII. Nhưng cho đến nay , chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào xác nhận tiểu sử của ba nhân vật trên.
Gốm Bát Tràng rất nổi tiếng, địa danh gốm Bát Tràng đã đi vào thơ và ca dao tục ngữ. Bằng vốn di sản kinh nghiêm nghề nghiệp những người thợ đã đưa nghề gốm ở đây lên đỉnh cao , những loại gốm quý và độc đáo nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như: gốm men ngọc ( thời Lý – Trần ) gốm men nâu hay gốm hoa nâu ( cuối Trần – đầu Lê ) gốm men rạn ( thời Lê – Trịnh ) và gốm hoa lam ( vào cuối thời Nguyễn ).
Nhiều sản phẩm gốm men ngọc , men rạn , hoa lam của Bát Tràng rất hoàn mỹ , được coi là đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật gốm ở Việt Nam và đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật gốm cổ, quý giá.
Sản phẩm gốm Bát Tràng phong phú và đa dạng, với đôi bàn tay khéo léo của thợ gốm họ đã làm ra những sản phẩm gốm tinh xảo như: độc bình, chân đèn, đôn, bình vôi, nậm, chóe bằng gốm men ngọc và men chảy , hoa lam , men rạn. Trong suốt mấy trăm năm nay , gốm hoa lam tiếp tục ra đời khg hề đứt đoạn ở làng gốm Bát Tràng.
Lộc bình Bát Tràng nổi tiếng với độ tinh xảo cao
Song song với các sản phẩm gốm đàn dân dụng, gốm hoa lam của Bát Tràng đã đi vào đời sống nhân dân cả nước, mà trước hết là các tỉnh Bắc Bộ. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân trong khắp cả nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, đặc biệt là gạch Bát Tràng và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài . …
Lọ hoa sứ trắng bát tràng
Trên các sản phẩm không chỉ được tạo dáng uyển chuyển mà còn trang trí rồng uốn khúc đắp nổi , những hoa lá tinh tế , hoa văn khắc chìm nhìn rất sinh động, ngoài men trắng ngà cổ truyền , người thợ Bát Tràng cũng biết dùng men màu và vẽ màu dưới men, giữa men, trên men, nhằm tạo hiệu quả huyền ảo cho người thưởng thức sản phẩm gốm Bát Tràng.
Việc tìm đất, chọn nguồn đất nguyên liệu thích hợp, tạo ra các loại men từ tro, đất phù sa, đá màu, rỉ đồng, rỉ sắt, cũng như sự cải tiến kỹ thuật lò nung có hiệu quả đã chứng tỏ được tài nghệ của các nghệ nhân và thợ gốm nhiều thế hệ ở Bát Tràng.
Bát Tràng có may mắn và thuận lợi lớn là nằm bên bờ sông Hồng , ở khoảng giữa Thăng Long và Phố Hiến , trên đường thủy nối liền hai đô thị này và là cửa ngõ thông thương với thế giới bên ngoài nên các sản phẩm gốm Bát Tràng được lưu thông rộng rãi .
Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn một khối lượng lớn gốm các loại của Bát Tràng được xuất khẩu sang nhiều nước như : Nhật Bản , Malaixia , Thái lan , quần đảo Java , các nước trung đông , và một số nước châu âu . Trong nhiều gia đình quý tộc , thương gia , và trong một số bảo tàng các nước cho đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều di vật gốm Việt Nam trong đó có gốm Bát Tràng.
Trong suốt quá trình nghề gốm của mình, người Bát Tràng luôn luôn ý thức tầm quan trong sống còn của làng nghề là thích nghi với hoàn cảnh biến đổi của nền kinh tế xã hội theo từng thời kỳ.
Họ nắm bắt nhanh các thành tựu gốm mới và đặc biệt quan tâm thích ứng với thị hiếu, thẩm mỹ và yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, ưu tiên sản xuất các mặt hàng cao cấp đắt tiền, các đồ gốm giả cổ ….
Xưa kia các lò gốm thủ công tuyệt đối giấu nghề bằng biện pháp ‘’ cha truyền con nối ‘’ Trong đời sống cũng như quá trình sản xuất người dân Bát Tràng có tinh thần cộng đồng cao và ý thức bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp .
Bí quyết nghề nghiệp đặc biệt khâu pha chế men được bảo vệ chặt chẽ. Bí mật này chỉ được truyền cho con trai và những quy đinh trong các hương ước của làng , hay của dòng họ . Trước đây Bát Tràng có tục lệ trai gái trong làng lấy nhau , con trai có thể lấy vợ ngoài làng nhưng con gái nhất thiết không được lấy chồng ở làng khác vì sợ để lô bí quyết nghề của làng . Tục lệ này cũng phai mờ dần và nay đã được xóa bỏ .
Hiện nay làng gốm Bát Tràng đang phát triển sản xuất hai chủng loại gốm đó là: Gốm giả cổ và gốm hiện đại.
Khôi phục gốm cổ , người Bát Tràng cũng như các làng gốm khác đang làm sáng lên những giá trị di sản văn hóa. Không chỉ khôi phục , họ còn tìm tòi khai thác các men quý, men đẹp, dáng cổ để tạo ra các mặt hàng mỹ nghệ đặc sắc đưa sản phẩm gốm Bát Tràng tới đỉnh cao của nghệ thuật .
Một số mẫu đèn thờ giả cổ tại Bát Tràng
Bát Tràng là một làng gốm lâu đời , nổi tiếng , có nhiều truyền thống văn hóa vừa mang những sắc thái công đồng chung của làng xã vùng đồng bằng Bắc bộ , vừa phản ánh những nét đặc thù của nghề gốm. Ở làng gốm này, mọi lứa tuổi đều có công ăn việc làm, ít thấy trẻ em chạy ngoài đường, hoặc trai tráng ngồi chơi bê tha, các cụ già giỏi nghề, làm việc suốt ngày bên bàn tạo mẫu, hay bên lò nung đang rừng rực lửa .
Phụ nữ thì vuốt gốm, phơi gốm, vào lò ….mỗi công đoạn sản xuất đòi hỏi nhiều thao tác, người thợ cần có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao .Sản phẩm của người Bát Tràng là kết tinh của sức lao động cần cù, sự khéo tay và đầu óc thẩm mỹ .Bằng mọi cách để giữ lấy nghề và di sản quý của cha ông.Từ nền tảng đó họ ra sức sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng là những tác phẩm nghệ thuật tinh túy và sống động.
Những sản phẩm mang đậm nét văn hóa người Việt